fbpx

Tesla phải thu hồi hầu hết các xe đã bán tại Mỹ.

Tesla phải triệu hồi gần như toàn bộ xe đã bán ra tại Mỹ do khiếm khuyết về an toàn liên quan đến công nghệ Autopilot của hãng. Đợt triệu hồi này sẽ ảnh hưởng tới hơn 2 triệu xe, bao gồm các mẫu Model S, Model X, Model 3, và Model Y được trang bị tính năng Autosteer.

Giải pháp khắc phục mà nhà sản xuất ô tô Mỹ đưa ra là cập nhật phần mềm điều khiển.

Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) đã điều tra công nghệ Autopilot của Tesla từ năm 2021, và kết luận rằng nó không ngăn tài xế sử dụng tính năng Autosteer sai mục đích trong một số trường hợp nhất định.

Việc cập nhật phần mềm sẽ tăng thêm sự kiểm soát, cảnh báo tài xế phải đặt tay trên vô-lăng và đơn giản hóa việc tắt/bật tính năng này.

Việc sửa lỗi cũng sẽ khiến phần mềm có thể ngăn tài xế sử dụng tính năng Autosteer nếu liên tục phát hiện hành vi lái xe thiếu trách nhiệm.

Công nghệ Autopilot đã nhiều lần bị điều tra tính an toàn và thường xuyên bị chỉ trích vì khuyến khích chủ xe Tesla tin tưởng quá mức vào công nghệ hỗ trợ lái này.

Từ năm 2019 đến nay đã xảy ra 736 vụ tai nạn, trong đó có 17 vụ dẫn tới tử vong, liên quan tới công nghệ Autopilot, theo số liệu của NHTSA.

Số vụ tai nạn tăng mạnh trong hai năm qua, khi tài xế có thể sử dụng hệ thống tự lái (FSD) cấp độ cao hơn.

Autopilot yêu cầu tài xế phải đặt tay trên vô-lăng, cảnh báo tài xế phải luôn tập trung và kiểm soát xe, nhưng NHTSA cho rằng mức độ kiểm soát hiện nay của hệ thống này có thể không đủ hữu hiệu trong việc ngăn tài xế sử dụng sai tính năng tự lái.

NHTSA tiến hành điều tra sau khi ghi nhận 11 trường hợp xe Tesla đâm vào các xe đang dừng khẩn cấp trên đường, ví dụ như đâm vào xe cảnh sát đang dừng, có bật đèn khẩn cấp và lao qua đoạn đường đang bị rào lại, đâm vào xe cảnh sát. 

Trước năm 2019, công nghệ Autopilot là trang bị tùy chọn trên xe Tesla, nhưng giờ là trang bị tiêu chuẩn, và xe bán tại thị trường Bắc Mỹ được trang bị hệ thống lái tự động toàn phần (FSD).