Sự việc được cho là diễn ra vào ngày 16/4, tại giao lộ Võ Chí Công – đường dẫn cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, và được camera hành trình của một ô tô khác lưu thông cùng chiều ghi lại.
Theo đó, Mazda CX-5 màu trắng vừa tăng tốc vượt xe tải, sau đó chuyển sang làn ngoài cùng bên trái bất ngờ bật xi-nhan bên phải và đột ngột chuyển làn, rẽ vào lối đi cao tốc Long Thành – Dầu Giây.
Cú chuyển hướng bất ngờ của chiếc xe Mazda đã tạt đầu và ép ngã xe máy đang đi thẳng. Tuy nhiên, chiếc xe này sau đó đã lập tức tăng tốc, thay vì dừng lại giải quyết va chạm.
Xe Mazda chuyển làn đột ngột, chèn ngã người đi xe máy rồi bỏ chạy (Video: Otofun).
Sự việc gây bức xúc lớn sau khi video được chia sẻ lên mạng xã hội. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng với hình ảnh như trong video, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể vào cuộc điều tra, truy tìm tài xế xe Mazda CX-5 gây tai nạn rồi bỏ chạy.
Về nguyên tắc, sau khi xảy ra va chạm, người điều khiển phương tiện phải lập tức dừng xe để giải quyết hậu quả.
Cụ thể, Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển xe và người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm:
– Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
– Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi lực lượng chức năng đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu, phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất;
– Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Về mức phạt đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định mức xử phạt hành chính 16-18 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 5-7 tháng.
Tài xế gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 72 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt tù từ 3 đến 10 năm.
Ngoài ra, Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người điều khiển xe gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người bị tai nạn.