fbpx

Tai nạn giao thông: Xe máy không phanh, va chạm với ô tô tải

Sự việc diễn ra hôm 12/5 trên Quốc lộ 1A.

Hình ảnh do camera giám sát ghi lại cho thấy khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh, người đi xe máy và hai xe tải bên trái từ từ lăn bánh qua ngã tư, còn chiếc ô tô con ở làn trong cùng bên phải đã lách lên đầy vội vàng, hung hăng, như thể bị mất lái, đẩy người đi xe máy vào bánh xe tải.

Xe con đi như mất phanh, đẩy người đi xe máy lao vào ô tô tải (Video: OFFB).

Video cho thấy xe tải đã kịp thời phanh lại và người đi xe máy bị ngã ra đường, thay vì ngã vào gầm xe tải. Một số người dân đã tới hỗ trợ người đi xe máy dựng xe.

“Khi đèn chuyển xanh, xe máy đã có ý thức đi né sang phải để tránh đường cho xe tải qua, mà đen là gặp phải ô tô con đi như mất phanh”, tài khoản Quang Linh nhận xét sau khi xem video được chia sẻ trên mạng xã hội.

“Xe con chịu sai hoàn toàn rồi. Nhưng nếu chuẩn có mũi tên rẽ phải ở làn trong cùng bên phải thì xe máy đi thẳng dừng chờ đèn đỏ là sai làn, còn nếu không có mũi tên thì đứng vậy không có gì sai”, tài khoản Huy Tuấn bình luận.

“Rất mong cơ quan chức năng vào cuộc, tìm cho ra chiếc xe con gây tai nạn và xử phạt theo đúng quy định pháp luật”, tài khoản Nguyễn Tú bình luận.

“Quá may mắn cho cả tài xế xe tải và người đi xe máy. Tài xế ô tô con màu đen cần bị xử phạt thật nặng, tước bằng lái, học lại luật giao thông”, tài khoản Đức Linh nêu ý kiến.

Có vẻ như sau khi dừng lại, quan sát thấy người đi xe máy đã có thể tự đứng dậy, nên tài xế ô tô quyết định bỏ đi luôn. Tuy nhiên, về nguyên tắc, sau khi xảy ra va chạm, người điều khiển phương tiện phải lập tức dừng xe để giải quyết hậu quả.

Cụ thể, Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển xe và người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm:

– Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

– Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi lực lượng chức năng đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu, phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất;

– Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Về mức phạt đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định mức xử phạt hành chính 16.000.000-18.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 5-7 tháng.

Tài xế gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 72 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Ngoài ra, Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người điều khiển xe gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người bị tai nạn.