Vụ việc một trẻ mẫu giáo ở Thái Bình tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.
Ngoài việc luôn nghiêm túc áp dụng các biện pháp có tính phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ khi đi ô tô, người lớn cũng nên dạy trẻ một số kỹ năng tự thoát hiểm.
Trước tiên, trẻ cần được rèn kỹ năng giữ bình tĩnh. Khi thấy bị nhốt trong xe ô tô, trẻ rất dễ hoảng loạn; đây là phản ứng tự nhiên ngay cả với người lớn. Do đó, cần giúp trẻ luyện tập các kỹ năng thoát hiểm thuần thục, xem nhiều hình ảnh minh họa để giữ được bình tĩnh trong các tình huống khẩn cấp.
Thứ hai, tùy thực tế từng dòng xe, hãy chỉ cho trẻ nhỏ thấy nút mở cửa (thường có hình ổ khóa mở và ổ khóa đóng) ở bên hông ghế của tài xế hoặc nút màu đỏ ngay trên tay nắm các cửa.
Chỉ cần bấm vào nút hình ổ khóa mở hoặc nút màu đỏ (nếu cửa xe không ở chế độ khóa trẻ em), rồi kéo tay cầm cửa hướng ra ngoài và đẩy ra là mở được cửa.
Thứ ba, theo thiết kế an toàn của nhà sản xuất, còi xe luôn luôn hoạt động ngay cả trong tình trạng ô tô tắt máy, khóa cửa từ bên ngoài. Do đó, hãy dạy trẻ nhỏ cách bấm còi trên vô lăng liên tục như một cách ra tín hiệu cần trợ giúp.
Nếu trẻ còn quá nhỏ, lực tay yếu, có thể hướng dẫn trẻ quay lưng lại, ngồi lên vị trí chính giữa vô lăng để nhấn còi.
Thứ tư, hãy chỉ cho trẻ biết vị trí nút bật đèn khẩn cấp hình tam giác màu đỏ trên bảng điều khiển của xe. Khi ô tô bật đèn khẩn cấp sẽ thu hút sự chú ý của người xung quanh.
Cuối cùng, hãy hướng dẫn trẻ cách đập vỡ cửa kính bằng bất kỳ vật gì có đầu cứng nhọn, như kìm, tuốc-nơ-vít… Tốt nhất, hãy trang bị trong xe một chiếc búa chuyên dụng (hiện có giá chỉ khoảng hơn 100.000 đồng, bao gồm cả chức năng cắt dây an toàn, đèn pin, sạc điện thoại…) và để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy.
Nên phá cửa kính bên hoặc kính sau, vì kính lái luôn an toàn nhất với nhiều lớp kết dính bằng keo chuyên dụng, nên khó đạp vỡ nhất.