Toyota đã hợp tác với Joby Aviation – công ty khởi nghiệp sản xuất taxi bay có trụ sở tại California (Mỹ) – từ năm 2020, và khoản 500 triệu USD này sẽ nâng tổng số tiền đầu tư của Toyota vào Joby lên 894 triệu USD.
Joby sẽ nhận được số tiền này trong 2 đợt; đợt đầu tiên vào cuối năm nay và phần còn lại vào năm 2025, thời điểm công ty kỳ vọng sẽ triển khai hoạt động kinh doanh taxi điện trên không.
“Với khoản đầu tư bổ sung này, chúng tôi rất vui mừng khi thấy Joby đã chuyển sang sản xuất thương mại. Chúng tôi có chung quan điểm với Joby rằng chuyến bay bền vững sẽ là trọng tâm để giảm bớt những thách thức dai dẳng về khả năng di chuyển hiện nay”, ông Tetsuo “Ted” Ogawa, giám đốc điều hành của Toyota, cho biết.
Hai công ty đã hợp tác với nhau trong gần 7 năm khi Joby tiến gần tới việc triển khai các chuyến bay thương mại đầu tiên. Chiếc máy bay thứ 3 gần đây đã rời khỏi dây chuyền sản xuất thử nghiệm của Joby, và công ty đã bắt đầu xây dựng một nhà máy mở rộng có thể tăng gấp đôi công suất.
Hồi tháng 8, Joby tiết lộ rằng họ đã hoàn thành 4 trong số 5 bước cần thiết để đạt được chứng nhận, và kỳ vọng có thể triển khai dịch vụ bay thương mại đầu tiên tại Dubai vào cuối năm 2025. Trước đó, công ty cần dành nửa đầu năm tới để thực hiện một loạt các chuyến bay thử nghiệm.
Toyota không phải là nhà sản xuất ô tô duy nhất đầu tư vào lĩnh vực ô tô bay. Hyundai đã ra mắt taxi bay S-A2 với tốc độ 193km/h tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) ở Las Vegas vào đầu năm nay, dự kiến sẽ có phiên bản sản xuất thực tế vào năm 2028.
Mẫu Xpeng X2 eVOTL vận hành hoàn toàn bằng điện, lên thẳng như trực thăng, của Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay ra mắt đầu tiên vào năm ngoái, ngay sau khi tập đoàn Stellantis tuyên bố sẽ mở rộng quan hệ đối tác với Archer Aviation và sẽ chế tạo máy bay Midnight tại Covington, bang Georgia (Mỹ).
Stellantis đã đổ thêm 55 triệu USD vào dự án Archer vào mùa hè này và tuyên bố nhà máy mới sẽ hoàn thành trước cuối năm 2024.