Tuần trước, chính quyền Tổng thống Biden cho biết Bộ Thương mại Mỹ đã đề xuất một quy định mới nhắm vào Trung Quốc và Nga.
Theo đó, cơ quan này muốn Mỹ cấm bán hoặc nhập khẩu ô tô sử dụng các công nghệ kết nối, hoặc nhập khẩu các phụ tùng có liên quan từ những nước có thể đe dọa an ninh quốc gia.
Dù quy định chưa được thông qua, nhưng chính phủ Mỹ thực sự có mối lo ngại về nguy cơ an ninh khi các xe sử dụng công nghệ kết nối có thể thu thập các dữ liệu nhạy cảm của tài xế và hành khách trên xe, có camera và cảm biến lưu thông tin chi tiết về cơ sở hạ tầng của Mỹ.
Với nguy cơ đó, đề xuất trên nhắm vào các hệ thống kết nối trên ô tô được thiết kế, phát triển, sản xuất hoặc phân phối bởi các doanh nghiệp gần gũi với Trung Quốc hoặc Nga. Nó cũng tập trung vào khả năng kết nối – bao gồm Bluetooth, di động, vệ tinh, và Wi-Fi – cũng như các hệ thống lái tự động.
Nếu được thông qua, quy định này không chỉ chặn đứng nhiều mẫu xe Trung Quốc, mà cả xe của các thương hiệu khác (kể cả Mỹ) sản xuất tại Trung Quốc, như Buick Envision và Lincoln Nautilus.
Theo hãng tin Reuters, tại thị trường Mỹ, GM đang bán mẫu Buick Envision, còn Ford bán mẫu Lincoln Nautilus được lắp ráp tại Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm nay, GM đã bán được khoảng 22.000 chiếc Envision và Ford bán được 17.500 chiếc Nautilus tại Mỹ.
Mẫu Buick Envision được sản xuất bởi liên doanh giữa GM với SAIC, còn mẫu Lincoln Nautilus được sản xuất bởi liên doanh giữa Ford với Changan. Nếu đề xuất trên được thông qua, thì GM và Ford sẽ phải dừng sản xuất các mẫu xe này tại Trung Quốc và chuyển sang nơi khác nếu vẫn muốn bán chúng tại Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ cho các công ty xin giấy phép đặc biệt để tiếp tục bán xe hoặc phụ tùng liên quan tới Trung Quốc.
Nhà Trắng cho biết có thể sẽ có điều khoản loại trừ dành cho các nhà sản xuất nhỏ và có ngoại lệ để giảm thiểu nguy cơ gây gián đoạn không cần thiết cho ngành ô tô. Không rõ trong trường hợp đó, Ford, General Motors (GM), hoặc Geely có được coi là nhỏ hay không.
Theo hãng tin Reuters, vào tháng 5, có 4 mẫu xe Trung Quốc được bán tại Mỹ, trong đó có Polestar 2 và Volvo S90. Polestar và Volvo là thương hiệu thuộc sở hữu của tập đoàn ô tô Trung Quốc Geely.
BYD Bắc Mỹ, công ty thuộc tập đoàn BYD của Trung Quốc, hiện có nhà máy sản xuất xe buýt điện ở Lancaster, bang California, Mỹ, cũng có thể bị ảnh hưởng. Công ty chưa đưa ra bình luận gì về đề xuất quy định trên.
Giống như Ford và GM, họ cũng có thể làm đơn xin giấy phép đặc biệt. Ví dụ, phần mềm được phát triển bởi một nhóm kỹ sư Trung Quốc, ở Trung Quốc và cho một hãng xe Trung Quốc có thể bị cấm vào Mỹ. Tuy nhiên, nếu phần mềm do kỹ sư Trung Quốc phát triển nhưng họ làm việc ở một nước khác và làm việc cho một công ty không phải Trung Quốc thì có thể được nhập và bán ở Mỹ.