Sự việc diễn ra vào sáng 7/12 trên cầu Đông Trù, nằm trên Quốc lộ 5 kéo dài, đoạn qua địa phận huyện Đông Anh (Hà Nội).
Theo đó, khi thấy phía trước có xe tải nhỏ gặp sự cố, phải dừng giữa đường, tài xế ô tô khách màu trắng đã lập tức bật đèn khẩn cấp để cảnh báo cho các phương tiện phía sau biết.
Pha nháy đèn này được cho là thực sự đáng giá với các xe chạy phía sau xe buýt, tránh được nguy cơ va chạm.
Tài xế xe khách nhận “bão like” vì pha nháy đèn khẩn cấp báo có nguy hiểm cho xe phía sau (Video: Otofun).
Sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, video đã thu hút rất đông lượt xem và bình luận. Hầu hết các ý kiến đều tán dương cách sử dụng đèn khẩn cấp hợp lý của tài xế xe khách. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng trong tình huống này, nếu tài xế bật xi-nhan bên phải sẽ hợp lý hơn.
“Mình cũng giống bác xe khách kia, hay dùng đèn hazard khi phía trước có tình huống gì đó, hoặc đang đi nhanh mà phía trước ùn tắc lại. Bật đến khi nào nhìn thấy xe sau mình theo được mình thì mới tắt đi”, tài khoản Phạm Thắng bình luận.
“Mình cũng hay bật, nhưng tài xế xe đằng sau có thể không hiểu ý, lại tăng tốc vượt lên, vì nghĩ rằng nguy hiểm nằm ở cùng làn đường với xe bật đèn khẩn cấp. Theo mình, tài xế nên bật xi-nhan bên phải”, tài khoản Trần Minh nêu ý kiến.
“Đi đường dài gặp tài già có tâm thường như thế, lúc xin vượt cảm thấy chưa an toàn cho xe sau thì bác ấy đá nhan trái, đến đoạn thấy ổn thì đá nhan phải và nhường mình lên… Ấm lòng”.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng tình huống trên cũng để lại bài học về tầm quan trọng của việc tập trung khi lái xe và giữ khoảng cách an toàn để có thể quan sát các mối nguy từ xa, phòng tránh va chạm.
Bên cạnh đó, tình huống xe tải nhỏ phải dừng giữa đường khá nguy hiểm khi không có vật cảnh báo được đặt ở phía sau xe mà lại là người đứng.
Về nguyên tắc, khi xe phải dừng khẩn cấp, vì gặp sự cố, tai nạn, hoặc hết xăng, việc đầu tiên tài xế cần làm là bật đèn khẩn cấp (đèn hazard), rồi cố gắng đưa xe vào trong làn dừng khẩn cấp; với xe nhỏ, nên đẩy xe vào lề đường bên phải.
Ngoài việc bật đèn khẩn cấp, cần đặt các vật dụng cảnh báo nguy hiểm, như tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón,… Nếu không mang sẵn những thứ này trên xe, có thể sử dụng cành cây lớn, đèn pin… để thu hút sự chú ý của các tài xế khác.
Nên đặt các vật dụng cảnh báo nguy hiểm ở phía sau xe dừng đỗ với một khoảng cách phù hợp, để tài xế các xe phía sau có đủ thời gian giảm tốc độ và đánh lái tránh. Vậy khoảng cách phù hợp là bao nhiêu?
Để có câu trả lời, có thể tham khảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ, dù bộ quy chuẩn này hiện được thay bằng QCVN 41:2019/BGTVT.
Theo đó, với tốc độ vận hành trung bình của xe là dưới 20km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là dưới 50m.
Tốc độ vận hành trung bình của xe là 20-35km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 50-100m.
Tốc độ vận hành trung bình của xe là 35-50km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 100-150m.
Tốc độ vận hành trung bình của xe là từ 50km/h trở lên thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 150-250m.
Như vậy, với điều kiện giao thông bình thường trên quốc lộ, đường cao tốc, khoảng cách phù hợp để đặt vật cảnh báo nguy hiểm là 150-250m.
Bên cạnh đó, nếu có thể, hãy xếp các cọc tiêu hình nón tạo thành một barrier di động, để các xe khác không lao vào khu vực có xe gặp sự cố.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, khi xe gặp sự cố, tất cả mọi người nên rời khỏi xe, di chuyển ra phía sau lan can đường hoặc khu vực càng xa làn đường xe chạy càng tốt.
Khám phá VinFast VF3 - mẫu xe điện mini SUV linh hoạt, giá chỉ từ…
Tình huống diễn ra vào ngày 20/10 trên đường 73, huyện Thường Tín, Hà Nội.Hình…
70mai Việt Nam tham gia triển lãm Vietnam Motor Show 2024 diễn ra từ ngày…
Cuộc chiến màn hình trên ô tô đã đạt đến tầm cao mới khi mẫu…
Hơn 1 năm sau khi Carnival phiên bản nâng cấp giữa vòng đời "chào sân"…
Mới đây, fanpage chính thức của Wuling Việt Nam đã đăng tải bài viết chúc…
This website uses cookies.