fbpx

Đồng bộ phụ tùng nhưng Rolls-Royce gây bất ngờ khi bán với giá cao hơn 15 lần so với BMW

Việc xe của các thương hiệu khác nhau thuộc cùng một tập đoàn dùng chung phụ tùng không phải chuyện lạ, bởi đó là giải pháp nhằm tối ưu hóa chi phí phát triển và sản xuất. Tuy nhiên, việc chênh giá tới 15 lần cho cùng một phụ tùng là khá sốc.

Cụ thể, Rolls-Royce đang tính giá 2.500 USD (khoảng 60,8 triệu đồng) cho một bộ cáp còi (clockspring) hoàn toàn có thể thay thế bằng loại gần như giống hệt mà BMW đang tính giá 160 USD (khoảng 3,9 triệu đồng). Việc này khiến nhiều người tò mò về giá trị thực sự của các bộ phận trên xe sang.

Cáp còi, hay còn gọi là cáp xoắn ốc, là cuộn dây nằm bên trong cột vô-lăng cho phép kết nối điện tử giữa bộ phận đứng im (cột lái) với bộ phận chuyển động (vô-lăng) của xe. Đây là phụ tùng quan trọng đối với các tính năng như còi, túi khí, và một số phím điều khiển tích hợp trên vô-lăng.

Trên mạng xã hội Reddit, một chủ xe Rolls-Royce Wraith đã chia sẻ câu chuyện của mình xung quanh bộ phận này. Khi mang xe tới trung tâm dịch vụ chính hãng, anh được báo giá lên tới 2.500 USD để thay cáp còi mới.

Dù thực tế là hầu hết chủ xe Rolls-Royce có đủ khả năng chi trả số tiền này mà không lăn tăn gì, nhưng chủ chiếc Wraith trên đã có tính toán khác, tiết kiệm hơn nhiều. 

Anh phát hiện ra rằng cáp còi của xe BMW 6-Series, có vẻ như từ thế hệ F12, có thể thay thế loại dùng trên xe Rolls-Royce. Số tiền anh tiết kiệm được là 2.340 USD (khoảng 57 triệu đồng).

Chia sẻ này trên mạng xã hội Reddit lập tức thu hút hàng trăm ý kiến bình luận. Nhiều người dùng tán thưởng phát hiện của chủ xe Wraith, trong khi một số thú nhận từng làm tương tự với xe Rolls-Royce của họ, sử dụng nhiều phụ tùng tương đương của BMW.

Rolls-Royce đã dừng sản xuất Wraith coupe, mẫu xe được phát triển dựa trên kết cấu của BMW 7-Series F01, nên việc chúng dùng nhiều linh kiện, phụ tùng là dễ hiểu. Và như vậy, các chủ xe Rolls-Royce có thể lựa chọn giải pháp thay thế từ xe BMW 6-Series và 7-Series khi đi bảo dưỡng, sửa chữa xe.

Ngay cả với mẫu Ghost thế hệ thứ hai đã chuyển sang dùng nền tảng khung gầm bằng nhôm cao cấp của Rolls-Royce, nhưng nhiều khả năng nó vẫn dùng lẫn nhiều phụ tùng với xe BMW.

Trên thực tế, nhà sản xuất ô tô cũng không cần thiết phải chế tạo lại một bộ phận mà họ có thể lấy sẵn trong kho của tập đoàn mẹ, đặc biệt là những bộ phận mà khách hàng không nhìn thấy và khó phân biệt được.

Việc này không chỉ diễn ra với xe Rolls-Royce mà cả xe Bentley, khi thương hiệu này thuộc tập đoàn VW với nhiều hãng khác, hay Maserati (thuộc Stellantis) và Maybach (thuộc Mercedes-Benz). Rất ít nhà sản xuất xe sang tồn tại được nếu thiếu sự hỗ trợ về mặt tài chính và công nghệ từ tập đoàn mẹ.