fbpx

Sức hút của Việt Nam đối với các thương hiệu xe Trung Quốc ngày càng tăng

Nói đến xe Trung Quốc, nhiều người dùng vẫn còn e ngại về chất lượng, do những trải nghiệm không tốt trong quá khứ. Tuy nhiên, trong mắt các thương hiệu bốn bánh đến từ “đất nước tỷ dân”, Việt Nam lại là thị trường tiềm năng, hứa hẹn đem tới nhiều cơ hội phát triển.

Bằng chứng là trong năm 2023, bất chấp ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế khiến sức mua giảm, nhiều hãng xe Trung Quốc vẫn ra mắt khách Việt.

Nhiều thương hiệu mới, đa dạng kiểu dáng và giá bán

Trước đây, các dòng xe Trung Quốc thường được phân phối thông qua một bên thứ ba, chứ không phải chính hãng. Tuy nhiên trong năm 2023, nhiều thương hiệu lớn đến từ thị trường láng giềng quyết định gia nhập Việt Nam, số ít thậm chí còn bắt tay với một công ty sở tại để lắp ráp trong nước.

Đơn cử như thương hiệu Wuling được TMT Motors Vietnam ra mắt người dùng vào ngày 29/6. Sản phẩm đầu tiên là mẫu xe điện cỡ nhỏ Hongguang Mini EV vốn đang “làm mưa làm gió” trên thế giới.

Xe có giá niêm yết từ 239 triệu đồng, hiện được giảm 20 triệu đồng còn 219 triệu đồng, trở thành mẫu xe con có giá rẻ nhất thị trường. Hongguang Mini EV còn được miễn 100% lệ phí trước bạ theo chính sách hỗ trợ xe điện của Nhà nước.

Từ ngày 1/7, Tập đoàn Ô tô Thượng Hải (SAIC) tiếp quản việc phân phối các dòng xe MG tại Việt Nam. Một trong những chiến lược phát triển của hãng chính là mở rộng danh mục sản phẩm, đẩy mạnh nhập khẩu xe từ Trung Quốc.

Hai mẫu xe đầu tiên được giới thiệu tới khách Việt sau khi MG Motor có nhà phân phối mới là MG5 MT và RX5. Trong đó, MG5 MT là mẫu sedan hạng C rẻ nhất Việt Nam với giá niêm yết là 399 triệu đồng, rẻ ngang các mẫu xe hạng A đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc.

MG RX5 thuộc phân khúc SUV cỡ C, cạnh tranh trực diện với Mazda CX-5 hay Hyundai Tucson. Xe không có công nghệ an toàn chủ động nhưng ghi điểm ở thiết kế khá bắt mắt, cùng giá rẻ, khởi điểm từ 739 triệu đồng.

Trong khi đó, thương hiệu Haval ra mắt Việt Nam vào đầu tháng 8, với sản phẩm tiên phong là H6 HEV (hybrid). Xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan với duy nhất một phiên bản, cùng giá bán lẻ đề xuất là 1,096 tỷ đồng.

Được định vị ở phân khúc C-SUV vốn có nhiều sản phẩm cạnh tranh, Haval H6 HEV chưa tìm được “chỗ đứng” do yếu tố thương hiệu mới.

Mới đây, vào ngày 15/12, Lynk & Co – thương hiệu con của Geely – chính thức ra mắt Việt Nam với sản phẩm đầu tiên được giới thiệu là mẫu 09. Đây là mẫu SUV lớn nhất của hãng xe Trung Quốc này, chốt giá niêm yết từ 2,199 tỷ đồng, đắt ngang một số mẫu xe sang Đức, như Mercedes-Benz GLC (từ 2,299 tỷ đồng).

Kế đến, sau nhiều năm “vắng bóng”, Haima (Hải Mã) chính thức quay trở lại Việt Nam vào ngày 17/12, phân phối thông qua công ty Carvivu. Hai sản phẩm đầu tiên được giới thiệu là mẫu MPV 7X và 7X-E.

Haima 7X sở hữu kích thước tương đương Toyota Innova Cross, có giá từ 865 triệu đồng. Xe có khá nhiều trang bị cao cấp, như ghế tích hợp sưởi và làm mát, hàng ghế thứ 2 kiểu thương gia, cụm màn hình 12,3 inch trong nội thất cùng gói công nghệ an toàn chủ động.

Haima 7X-E là mẫu MPV thuần điện đầu tiên tại Việt Nam, có giá 1,11-1,23 tỷ đồng. Hãng sẽ bắt tay với một đơn vị cung cấp bộ sạc và điểm trạm sạc ở Việt Nam; tuy chưa thể so được với hệ thống trạm sạc của VinFast, nhưng đã bước đầu giải quyết được vấn đề sạc.

Hãng xe lớn có xu thế chuyển sang nhập khẩu Trung Quốc

Không chỉ riêng các hãng xe Trung Quốc nhận định Việt Nam là thị trường tiềm năng, một số thương hiệu có tiếng trên thế giới cũng cho rằng các sản phẩm đến từ “đất nước tỷ dân” sẽ phù hợp với nước ta.

Volkswagen sẽ giới thiệu mẫu Viloran tới khách Việt trong tháng này. Đây là sản phẩm của liên doanh giữa hãng xe Đức và SAIC, được sản xuất tại nhà máy Ninh Ba – một trong những nhà máy có quy mô lớn nhất của Volkswagen tại Trung Quốc.

Bên cạnh Viloran, Volkswagen Việt Nam còn có kế hoạch nhập khẩu thêm nhiều mẫu xe khác. Hai cái tên đầu tiên được hé lộ là Teramont X và ID.6X.

Một số đại lý đã chào khách đặt cọc Volkswagen Teramont X, dự kiến ra mắt nước ta ngay trong tháng này với giá tạm tính khoảng 2,1 tỷ đồng. Trong khi đó, mẫu SUV thuần điện ID.6X nhiều khả năng sẽ được giới thiệu tại Triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS) 2024, cạnh tranh trực tiếp với VinFast VF 8.

Không chỉ vậy, theo chia sẻ của giám đốc chịu trách nhiệm mảng xuất khẩu của SAIC-Volkswagen với phóng viên Dân trí, Teramont sẽ được chuyển sang nhập khẩu từ Trung Quốc trong thời gian tới, thay vì nhập từ Mỹ như hiện tại.

Volkswagen Việt Nam nhận định, các dòng xe Trung Quốc phù hợp với thị trường Việt Nam từ thiết kế cho đến trang bị, đặc biệt trong bối cảnh khách Việt ngày càng khắt khe hơn trong trải nghiệm.

Giới chuyên gia cho rằng nước đi này của hãng xe Đức khá hợp lý, bởi nguyên nhân chính khiến các sản phẩm của Volkswagen không được ưa chuộng tại nước ta là do giá bán cao. Bên cạnh việc hãng định vị thương hiệu ở mức “tiệm cận sang”, xuất xứ từ châu Âu hay Mỹ cũng khiến chi phí nhập xe cao.

Khi chuyển đổi thị trường nhập khẩu, hãng sẽ bớt được nhiều chi phí, giúp giá xe dễ tiếp cận hơn. Đơn cử như Volkswagen Teramont X vốn cao cấp hơn Teramont bản thường, nhưng nhờ được nhập khẩu từ Trung Quốc, nên dự kiến giá lại rẻ hơn bản thường (gần 2,5 tỷ đồng do nhập từ Mỹ).

“Sân chơi” rộng mở trong năm 2024

Bức tranh xe Trung Quốc gia nhập Việt Nam trong năm 2023 đã vẽ đến những nét cuối cùng, nhưng trào lưu này hứa hẹn sẽ tiếp tục nở rộ trong năm 2024.

Ngoài những sản phẩm mới đã được giới thiệu, MG Motor còn có kế hoạch ra mắt HS mới và MG7 (cạnh tranh Toyota Camry). MG HS mới thuộc bản nâng cấp giữa vòng đời, quay trở lại Việt Nam dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, còn MG7 là sản phẩm hoàn toàn mới, nhiều khả năng sẽ được nhập từ Trung Quốc.

Tương tự, Lynk & Co còn 2 mẫu xe là 01 và 05 chưa được giới thiệu; Haima còn mẫu 8S thuộc phân khúc C-SUV. TMT Motors có kế hoạch ra mắt Baojun Yep và Wuling Bingo trong năm 2024, theo chia sẻ từ phía đại lý.

Omoda và Jeacoo đã trưng bày một số sản phẩm nhưng chưa chính thức được ra mắt. Đây là 2 thương hiệu con thuộc Chery – hãng xe đã từng kinh doanh tại Việt Nam.

Đầu tháng 11, Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jeacoo đã ký kết hợp đồng nguyên tắc cùng Tập đoàn Geleximco. Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Thái Bình để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bao gồm xe chạy xăng, hỗn hợp xăng & điện (PHEV) và thuần điện.