Sự việc diễn ra vào sáng 30/11 ở đầu đường Mê Linh, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Hình ảnh do camera hành trình của ô tô phía sau ghi lại cho thấy chiếc xe tải đã chuyển làn rất ẩu, không bật đèn xi-nhan báo hiệu cho các phương tiện khác, ép ô tô con đang chạy ở làn bên phải lao vào thảm cỏ phân cách.
Bị xe tải cà sát ở tốc độ cao, ô tô con bị gãy một bên gương cửa.
Xe tải chuyển làn ôm cua kiểu “lấy thịt đè người”, tạt gãy gương ô tô con (Video: Otofun).
Khi video trên được chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến nhiều người bức xúc, cho rằng cơ quan chức năng nên xử lý phạt nguội đối với tài xế xe tải và chủ xe con nên tìm tài xế xe tải để đòi bồi thường thiệt hại.
“Xe tải chạy quá ẩu, không thấy tín hiệu xi-nhan, đi song song 2 làn một thời gian nên không thể đổ tại xe con rơi vào điểm mù được. Cũng không thể bao biện là do sơ suất không để ý. Tham gia giao thông là phải tập trung để đảm bảo an toàn. Tài xế này cần bị xử phạt”, tài khoản Minh Hoàng bình luận.
“Tài xế xe tải sai thì rõ rồi, nhưng em thấy tài xế xe con đi như vậy là thiếu khôn ngoan. Xe bé cố ăn thua với xe to làm gì. Đến chỗ rộng thoáng an toàn rồi hãy vượt”, tài khoản Đức Long nêu ý kiến.
Về nguyên tắc, dù trong nội đô hay trên đường cao tốc, quốc lộ, tài xế cần quan sát cẩn thận và bật đèn xi-nhan trước khi muốn chuyển làn, chờ tới khi đủ điều kiện an toàn mới chuyển.
Việc này đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và người vi phạm sẽ bị xử phạt. Theo đó, điểm a, Khoản 2 Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển ô tô chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước.
Ngoài ra, sau khi xảy ra va chạm giao thông, người điều khiển phương tiện phải lập tức dừng xe để giải quyết hậu quả.
Cụ thể, Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển xe và người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm:
– Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
– Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi lực lượng chức năng đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu, phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất;
– Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Về mức phạt đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định mức xử phạt hành chính 16-18 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 5-7 tháng.